Lễ khởi động dự án “Xi măng xanh - Greening Cement” tại nhà máy xi măng VICEM Hạ Long vừa được tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
|
Khởi động Dự án xi măng xanh. |
Chuyển đổi sản xuất xanh
Theo ông Hoàng Anh Đức - Tổng Giám đốc VICEM Hạ Long, thực hiện định hướng chiến lược phát triển xanh của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, của Chính phủ, thực hiện chỉ đạo của Bộ Xây dựng, của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, ý thức trách nhiệm đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những năm qua, ngoài nỗ lực sản xuất kinh doanh hiệu quả, VICEM Hạ Long đặc biệt quan tâm đến phát triển xanh, bền vững, đi đôi với bảo vệ môi trường. Công ty triển khai các giải pháp hạn chế phát thải khói, bụi; nghiên cứu phối liệu để tiết kiệm tài nguyên, sử dụng chất thải, rác thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp ở tỉnh Quảng Ninh để làm nguyên, nhiên liệu thay thế; triển khai định hướng kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh.
Câu chuyện phát triển xanh không mới với VICEM Hạ Long bởi doanh nghiệp đã và đang thực hiện. Từ năm 2015, công ty đã nghiên cứu sử dụng tro bay, tro xỉ nhiệt điện, tro xỉ thép làm phụ gia sản xuất xi măng, đến nay, tỷ lệ pha trộn trung bình khoảng 15 - 20%, mỗi năm, VICEM Hạ Long đưa vào sử dụng gần 200.000 tấn tro xỉ các loại; tỷ lệ sử dụng tro bay trong phối liệu trung bình 2,5 - 5%, hàng năm; tương đương khoảng 30.000 - 35.000 tấn tro bay. Doanh nghiệp nghiên cứu, thử nghiệm thành công thạch cao nhân tạo thay thế thạch cao tự nhiên, với tỷ lệ lên đến 70% trong sản xuất xi măng PCB40, thay thế khoảng 30% trong sản xuất xi măng PCB50.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Xây dựng và Tổng Công ty VICEM trong việc đồng xử lý chất thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng, từ cuối năm 2020, xi măng Hạ Long đã đưa vào sản xuất thử nghiệm bùn thải từ các khu công nghiệp ở tỉnh Quảng Ninh, thay thế một phần đất sét, tiết kiệm tài nguyên không tái tạo, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm, công ty đã đưa vào xử lý từ 12.000 - 15.000 tấn bùn thải công nghiệp để thay thế đất sét. Hiện tại, doanh nghiệp đang tìm thêm nguồn bùn thải để tăng tỷ lệ thay thế sét. VICEM Hạ Long đang triển khai chương trình đốt nhiên liệu thay thế một phần than cám trong sản xuất clinker. Từ năm 2020 đến nay, nhà máy đã thực hiện việc đốt thử nghiệm giai đoạn 1 bằng phương pháp đốt thủ công. Tổng sản lượng nhiên liệu thay thế khoảng 12.000 tấn.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Ðinh Quang Dũng - Phó Tổng Giám đốc VICEM cho biết: Những năm qua, VICEM tích cực chỉ đạo các đơn vị thành viên, tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đầu tư chiều sâu, tăng cường sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo và các chất thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất clinker xi măng… Ðặc biệt, xử lý chất thải trong các ngành công nghiệp là giải pháp mũi nhọn, khả thi và bền vững; trong đó phương pháp xử lý chất thải trong các nhà máy sản xuất xi măng nói chung và VICEM Hạ Long nói riêng là giải pháp có nhiều lợi thế, giúp xử lý triệt để chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại, do tận dụng được lò đốt ở nhiệt độ cao trong dây chuyền sản xuất, đốt được hầu hết các loại chất thải, không đòi hỏi cao về phân loại rác, tỷ lệ thu hồi nhiệt cao, không phát thải thứ cấp và hệ thống giám sát khí thải liên tục 24/7 an toàn với môi trường.
Khởi động dự án xi măng xanh
Dự án “Xi măng xanh - Greening Cement” được hình thành trên cơ sở hợp tác giữa VICEM, FLSmidth và các đối tác, được tài trợ một phần bởi Tổ chức P4G, với mục tiêu phát triển bền vững và sản xuất xanh trong ngành công nghiệp xi măng. Cụ thể là cắt giảm tiêu hao nhiên liệu hóa thạch, gia tăng xử lý rác thải; thiết lập chuỗi cung cấp chất thải đô thị và công nghiệp cho nhà máy xi măng VICEM Hạ Long; tháo gỡ rào cản pháp lý, tạo điều kiện đầu tư vào xanh hóa công nghiệp sản xuất xi măng. Qua đó, quan hệ đối tác này chứng minh sự thành công của nhà máy VICEM Hạ Long khi xử lý 100% chất thải làm nhiên liệu thay thế sản xuất clinker, xi măng; nhờ đó giảm thiểu chôn lấp, góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan tại thành phố Hạ Long.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Christensen - Đại sứ Vương quốc Đan Mạch: Dự án xanh hóa ngành Xi măng là 1 phần hiện thực hóa Tuyên bố Hà Nội, nhằm làm bền vững hơn ngành Xi măng. Dự án xi măng xanh triển khai sẽ giảm phát thải khí nhà kính, trong đó có giảm CO2; góp phần thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tại buổi lễ, ông Aru David - Giám đốc khu vực Tổ chức phi Chính phủ ASSIST cho biết, ASSIST là một tổ chức phi lợi nhuận châu Á, luôn hướng đến chuyển đổi bền vững, đảm bảo cải thiện công bằng xã hội.
Với mong muốn xây dựng xi măng Hạ Long trở thành một trong những trung tâm xử lý chất thải của thành phố Hạ Long nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung, góp phần lan tỏa hiệu ứng tích cực về xử lý chất thải. Bước đầu, dự án hợp tác này sẽ tập trung vào thí điểm tại VICEM Hạ Long, để giúp thay đổi hệ thống quản lý chất thải và cơ sở hạ tầng, qua đó làm mô hình nhân rộng trong ngành. Dự án triển khai giúp giảm lượng khí thải carbon của ngành Xi măng, tạo ra mô hình kinh doanh có thể nhân rộng cho cả ngành công nghiệp xi măng và ngành quản lý chất thải tại địa phương.
ASSIST tin rằng có thể thông qua việc hợp tác, tham gia cùng Dự án Greening Cement - Xi măng xanh; giúp ngành Xi măng xanh hóa. Năm 2022 sẽ tập trung nghiên cứu khả thi dự án; năm 2023 tập trung thiết kế kỹ thuật và các vấn đề chính sách, triển khai ứng dụng công nghệ mới của FLSmidth…
|
VICEM Hạ Long đang nỗ lực sản xuất xanh. |
Ông Maxime Ramael - Giám đốc điều hành FLSmidth Việt Nam nhấn mạnh: Bên vịnh Hạ Long thơ mộng, nhà máy xi măng có thể chung sống hòa bình nhờ dự án xanh hóa ngành Xi măng. FLSmidth đã thực hiện 20 đơn vị đồng xử lý trên thế giới; thay thế than bằng chất thải, nhờ buồng đốt Hot disc, tạo ra năng lượng như đốt than, giảm phát thải NOX, bụi mịn từ than đá…
“Triển khai Dự án xi măng xanh tại VICEM Hạ Long, Quảng Ninh đã tìm thấy đối tác đồng xử lý chất thải đáng tin cậy; giảm phát thải, giảm rác thải chôn lấp, thực hiện kinh tế tuần hoàn. Không còn rác thải trôi nổi trên vịnh Hạ Long, không còn rác thải khắp các nhà máy công nghiệp và rác thải sinh hoạt ở thành phố Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung; không còn khói bụi, người dân được hưởng lợi từ dự án” - Ðại diện FLSmidth khẳng định.
Ông Nguyễn Như Hạnh - Ðại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh ghi nhận nỗ lực, sự cầu thị của VICEM Hạ Long trong giải quyết mâu thuẫn giữa sản xuất và môi trường khi nhà máy nằm bên vịnh Hạ Long. Sở sẽ trợ giúp và tạo điều kiện để dự án triển khai thành công.
(nguồn Báo xây dựng)