Khởi công năm 2006, đến năm 2010 Nhà máy xi măng Hạ Long bắt đầu đi vào sản xuất. Đúng thời điểm ấy, thị trường xi măng cung vượt cầu, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sản xuất xi măng rất gay gắt. Chân ướt chân ráo bước vào thị trường, thương hiệu còn yếu, kinh nghiệm sản xuất và quản trị còn chưa nhiều, lại gặp phải hai đợt khủng hoảng kinh tế trầm trọng, dễ hiểu vì sao xi măng Hạ Long thua lỗ, dòng tiền thu về không đủ để trả nợ và ngấp nghé bờ vực phá sản…
“Năm 2012 nhà máy có lúc phải tạm dừng sản xuất clinker trong vài ba tháng. Chúng em chia nhau nghỉ luân phiên và cũng bị chậm lương”, Đỗ Quang Huy, một cán bộ lao động trực tiếp của Vicem Hạ Long nhớ lại. “Thú thực, lúc đó công ty không còn tiền để mua than nên đành phải dừng lò”, anh Vũ Văn Trường, Kế toán trưởng công ty kể.
Vào thời điểm ấy, một số phương án xử lý tái cơ cấu xi măng Hạ Long, như bán cho nước ngoài hay chuyển về một doanh nghiệp khác của Nhà nước, đã được tiến hành nhưng đều không thành công. Đến cuối năm 2015, Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ và được chấp thuận phương án tái cơ cấu xi măng Hạ Long bằng việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước của Tổng công ty Sông Đà tại đây về với Vicem.
Vicem có lực lượng kỹ thuật hùng hậu với bề dày kinh nghiệm sản xuất, được tổ chức khoa học, chiếm gần 40% thị phần tiêu thụ nội địa, sở hữu nhiều thương hiệu mạnh, trải khắp ba miền, chắc chắn sẽ giúp được xi măng Hạ Long vượt qua khó khăn. Niềm tin “Vicem là lựa chọn phù hợp nhất để tái cơ cấu” không chỉ của Ban lãnh đạo xi măng Hạ Long, mà còn của hàng trăm cán bộ, nhân viên đang gắn bó với công ty.
Ngay khi tiếp nhận, Vicem đã chỉ đạo xi măng Hạ Long tổ chức sản xuất kinh doanh theo mô hình trung tâm chi phí (5 công đoạn - 7 phân đoạn), giảm bớt một số phòng ban, phân xưởng, tinh gọn biên chế, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, Vicem thành lập tổ hỗ trợ kỹ thuật, gồm những chuyên gia đầu ngành của mình và các đơn vị thành viên giúp xi măng Hạ Long tối ưu hóa sản xuất, duy trì dây chuyền vận hành ổn định, giảm thiểu sự cố, đồng thời nâng cao năng suất thiết bị, cải thiện chất lượng sản phẩm và tiết giảm chi phí. Nhờ vậy, sản lượng sản xuất clinker của Vicem Hạ Long tăng từ 1,6 triệu tấn năm 2015, lên gần 1,9 triệu tấn năm 2019 (đạt 108% công suất thiết kế); sản lượng sản xuất xi măng tăng từ gần 1,4 triệu tấn (đạt 66% công suất thiết kế) năm 2015 lên xấp xỉ 2,2 triệu tấn năm 2019 (đạt 106% công suất thiết kế) và lên 2,35 triệu tấn vào năm 2020 (đạt 116% công suất thiết kế).
Đối với lĩnh vực tiêu thụ, Tổng công ty chỉ đạo tạm dừng tiêu thụ thương hiệu “Xi măng Hạ Long”, thay vào đó, tập trung gia công cho Vicem Hà Tiên và Vicem Hoàng Thạch. “Khi gia công cho các thương hiệu mạnh, chúng tôi được trợ giúp thêm về mặt kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, có sản lượng tiêu thụ nhiều hơn và giá bán sản phẩm cao hơn”, đại diện lãnh đạo Vicem Hạ Long cho biết. Tháng 3.2018, khi tình hình sản xuất kinh doanh đã ổn định, ngoài duy trì gia công, Vicem quyết định cho xi măng Hạ Long quay lại tự tiêu thụ sản phẩm thương hiệu “Vicem Hạ Long”. Đến nay, Vicem Hạ Long đã dần từng bước phát triển thành một thương hiệu mạnh và có uy tín cả thị trường trong nước và quốc tế. Tổng sản phẩm tiêu thụ có sự tăng trưởng qua các năm (từ 2,3 triệu tấn năm 2016 lên 2,8 triệu tấn năm 2019), tổng sản lượng xi măng xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2019 đạt gần 2,9 triệu tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 121,6 triệu USD.
Về mặt tài chính, Tổng công ty hỗ trợ Vicem Hạ Long làm việc với các tổ chức tín dụng trong nước tái cấu trúc các khoản vay (giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất…). Sau khi được Chính phủ chấp thuận, Vicem đã tăng vốn điều lệ và hỗ trợ xi măng Hạ Long vay bù đắp thiếu hụt tài chính để trả Quỹ Tích lũy (Bộ Tài chính), các khoản vay đến hạn của các ngân hàng nước ngoài. Nhờ vậy Vicem Hạ Long từng bước giảm được các chi phí tài chính phát sinh - vốn là mối lo rất lớn và ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của công ty.
Vicem ra quyết sách đúng, Vicem Hạ Long thực hiện chuẩn chỉ. Kết quả là doanh thu của xi măng Hạ Long tăng trưởng qua các năm, từ 2.400 tỷ đồng năm 2016 lên 2.787 tỷ đồng năm 2019 (tăng 16%); chi phí tài chính giảm từ 389 tỷ đồng năm 2016 xuống 197 tỷ đồng năm 2020. Giá trị EBITDA tạo ra hàng năm của giai đoạn 2016 - 2020 đều đạt trên 600 tỷ đồng, tăng bình quân trên 400 tỷ đồng so với giai đoạn trước. Từ năm 2016 đến nay, Công ty đều có lợi nhuận và cân đối trả nợ được hơn 4.100 tỷ đồng gốc và lãi cho các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước; trong đó nguồn tăng vốn điều lệ là 960 tỷ đồng, còn lại từ sản xuất kinh doanh.
Nước nổi thuyền nổi, Vicem Hạ Long hồi sinh thì đời sống cán bộ, công nhân viên cũng khởi sắc. Làm việc ở Vicem Hạ Long hơn chục năm kể từ ngày tốt nghiệp đại học, anh Huy chia sẻ “chưa lúc nào thu nhập của chúng em tốt và ổn định như lúc này”. Kể cả năm nay, dịch Covid-19 ập đến, Công ty vẫn duy trì tốt sản xuất và tiêu thụ, bảo đảm thu nhập bình quân 12 triệu đồng/người/tháng. Các chế độ đối với người lao động như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, khám và chăm sóc sức khỏe định kỳ cho cán bộ - công nhân viên, chế độ bồi dưỡng độc hại, trang bị bảo hộ lao động vẫn được thực hiện đầy đủ. Cán bộ công nhân viên ngày một gắn bó với công ty và yên tâm công tác.
Đặc biệt, tuy là thành viên mới nhưng Vicem Hạ Long đang bước đầu thực thi hiệu quả chiến lược thay đổi cách nhìn của xã hội với ngành xi măng mà Vicem đang theo đuổi. “Trước đây xi măng bị coi là ngành gây ô nhiễm môi trường, bây giờ chúng tôi chuyển hướng sản xuất xanh - sạch hơn và hơn thế nữa, chúng tôi mong muốn trở thành một trung tâm xử lý rác thải công nghiệp, bùn thải, tro xỉ... tại địa phương, thực hiện định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn của Chính phủ, góp phần giảm phát thải CO2, tiết kiệm tài nguyên không tái tạo và bảo vệ môi trường”, Tổng giám đốc Hoàng Anh Đức chia sẻ.
Từ tháng 9.2020 đến nay, Vicem Hạ Long đã đốt gần 2.000 tấn rác thải công nghiệp như vải vụn, đế giày, phế phẩm của các nhà máy dệt may, nilon, phế phẩm nhựa… xử lý gần 4.000 tấn bùn thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp (dệt, may mặc, dày da, dầu thực vật, chế biến sợi, sản xuất bao bì…) thuộc các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Hàng năm, Vicem Hạ Long cũng sử dụng gần 150.000 tấn tro, xỉ nhiệt điện để làm phụ gia cho sản xuất xi măng, góp phần xử lý môi trường và giảm tải áp lực xả thải cho các nhà máy nhiệt điện. Công nghiệp sản xuất xi măng rất phù hợp để xử lý căn cơ các loại rác thải công nghiệp này và không phát sinh các chất độc hại thứ cấp. Thực sự là “một công đôi ba việc” - duy trì hiệu quả kinh tế, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Nhìn lại những bước đi đầu tiên của hành trình tái cơ cấu, Ban lãnh đạo Vicem Hạ Long cho rằng “gian nguy đã dứt nhưng khó khăn còn chưa hết”. Áp lực xử lý các vấn đề tài chính đối với Vicem Hạ Long hiện vẫn khá lớn, thêm vào đó, những kế hoạch dài hạn của doanh nghiệp đôi khi còn chịu tác động bởi sự thay đổi định hướng chiến lược trong quy hoạch phát triển của địa phương. “Dù vậy, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Xây dựng và Vicem, sự hỗ trợ giúp đỡ của các cơ quan ban ngành địa phương, tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên Vicem Hạ Long sẽ đồng tâm, cùng nhau nỗ lực để duy trì sự phát triển ổn định và hướng đến phát triển bền vững của Vicem Hạ Long”, Tổng giám đốc Hoàng Anh Đức chia sẻ.
(Trích nguồn: báo điện tử daibieunhandan.vn)